Tiêu chí lựa chọn đèn LED chống cháy nổ có rất nhiều, bài viết dưới đây Santex muốn chia sẻ một số tiêu chí cụ thể, giúp khách hàng có thêm kinh nghiệm khi lựa chọn đèn cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình.

Loại đèn phòng chống cháy nổ

Tùy vào vị trí lắp đặt mà người dùng lựa chọn loại đèn chống cháy nổ cho phù hợp, cụ thể:

–  Đèn tuýp LED: đèn tuýp LED chống cháy nổ thường có công suất từ khoảng 36W trở xuống, tùy thuộc vào tiêu chuẩn của từng nhà sản xuất. Những công suất đèn tuýp LED phổ biến thường là 2x9W, 2x18W. Đèn tuýp LED chống cháy nổ thường được sử dụng để lắp đặt ở trong không gian kín như phòng, container, hoặc ở các vị trí thấp <4m như cầu dẫn, sàn thao tác trong các nhà máy,…

–  Đèn pha LED loại Lowbay: đây là loại đèn pha chống cháy nổ thường được sử dụng ở những vị trí có chiều cao 4m-6m, có công suất ≤100W, thường được lắp ở những vị trí như nhà xưởng, nhà kho, đèn đường,…

–  Đèn pha LED loại Highbay: loại đèn này thường được sử dụng ở những vị trí có chiều cao trên 6m, có công suất trên 100W, thường được lắp đặt ở những vị trí chiếu cao như trên đỉnh bồn, chiếu sáng đường trong các nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất,…

Lưu ý: Trong trường hợp người dùng không thể xác định được công suất & số lượng đèn phù hợp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Việc tính toán chi tiết dựa trên phần mềm từ hãng sản xuất sẽ giúp khách hàng lựa chọn một cách phù hợp nhất, đảm bảo tiết kiệm chi phí một cách tối đa & lượng ánh sáng thích hợp.

Khu vực sử dụng đèn phòng nổ

Sau khi xác định được loại đèn LED chống cháy nổ cần sử dụng, người dùng cần phải xác định được khu vực mình cần sử dụng. Theo tiêu chuẩn ATEX/IECEx, các khu vực nguy hiểm được phân loại như sau:

  –  Đối với khí (gas):

+  Zone 0: Khu vực trong đó môi trường dễ nổ bao gồm hỗn hợp với không khí của các chất dễ cháy ở dạng khí, hơi hoặc sương mù tồn tại liên tục hoặc trong thời gian dài hoặc thường xuyên.

+  Zone 1: Khu vực trong đó môi trường dễ nổ bao gồm hỗn hợp với không khí của các chất dễ cháy ở dạng khí, hơi hoặc sương mù có khả năng xảy ra trong hoạt động bình thường.

+  Zone 2: Một khu vực trong đó bầu không khí dễ nổ bao gồm hỗn hợp với không khí của các chất dễ cháy ở dạng khí, hơi hoặc sương mù không có khả năng xảy ra trong hoạt động bình thường nhưng nếu có xảy ra thì điều đó chỉ xảy ra không thường xuyên và sẽ tồn tại chỉ trong một thời gian ngắn.

Hình ảnh phân loại khu vực sử dụng đèn LED chống cháy nổ trong môi trường chất khí

  –  Đối với bụi (dust):

     +  Zone 20: Khu vực trong đó bầu không khí dễ nổ, ở dạng đám mây bụi dễ cháy trong không khí, tồn tại liên tục hoặc trong thời gian dài hoặc thường xuyên.

     +  Zone 21: Một khu vực trong đó bầu không khí dễ nổ, dưới dạng một đám mây bụi dễ cháy trong không khí, đôi khi có thể xảy ra trong hoạt động bình thường.

     +  Zone 22: Một khu vực trong đó bầu khí quyển nổ, dưới dạng một đám mây bụi dễ cháy trong không khí, không có khả năng xảy ra trong hoạt động bình thường nhưng nếu có xảy ra, sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Hình ảnh phân loại khu vực sử dụng đèn LED chống cháy nổ trong môi trường bụi

Kỹ thuật bảo vệ của đèn chống cháy nổ

Theo tiêu chuẩn ATEX/IECEx, đối với đèn LED chống cháy nổ, có những kỹ thuật bảo vệ sau:

     –  Ex d (Flameproof – Bảo vệ chống lửa): Các phần tử phát sinh tia lửa được chứa trong 1 hộp có khả năng không cho tia lửa này phát sinh ra ngoài hộp cho dù có sự nổ xảy ra bên trong hộp.

     –  Ex e (Increased safety – Bảo vệ gia tăng độ an toàn): Các thành phần trong phương pháp này được thiết kế để làm giảm sự phát sinh ra tia lửa và giảm sự hỏng hóc có thể phát sinh ra tia lửa. Phương pháp này được thực hiện bằng cách giảm nhiệt độ của thiết bị, đảm bảo tiếp xúc điện tốt, gia tăng độ cách điện và giảm khả năng thâm nhập của bụi và hơi ẩm.

     –  Ex n (Type of protection – Bảo vệ phát sinh tia lửa) : Trong phương pháp này, các điểm nối phải đảm bảo độ tin cậy tuy nhiên không yêu cầu cao như Ex e. Ở những nơi bề mặt bên trong nóng hơn cấp nhiệt độ yêu cầu thì chúng cần được bao bọc chặt chẽ để ngăn chặn sự thâm nhập của khí gây cháy. Đây là kỹ thuật ngăn sự thoát hơi. Khái niệm “Không đánh lửa” cũng yêu cầu cấp bảo vệ thâm nhập IP65 hoặc cao hơn được thiết kế. Có các loại Ex n như sau:

+  nA: bảo vệ theo kiểu thiết bị không phát sinh tia lửa.

+  nR: bảo vệ ngăn sự thoát hơi ra bên ngoài.

Tuổi thọ của đèn LED chống cháy nổ

Điều này rất quan trọng, tuổi thọ của đèn có thể từ 30.000 giờ cho tới 100.000 giờ sử dụng, nên khách hàng nên đặc biệt lưu tâm. Bởi cùng là đèn LED, nhưng mỗi một hãng sản xuất lại sử dụng chip LED & driver của một hãng khác nhau, quyết định đến tuổi thọ của đèn.

Khi làm việc với nhà cung cấp, khách hàng nên làm rõ hãng chip LED & driver mà nhà sản xuất đang sử dụng. Dưới đây là một số hãng chip LED & driver uy tín nhất trên thế giới để khách hàng tham khảo:

–  Chip LED: Cree/USA, Nichia/Japan, Toyoda/Japan, Bridgelux/USA, Epistar/Taiwan, Osram/Germany.

–  Driver: Meanwell/Taiwan, Philips/Holland, Done/Taiwan, Osram/Germany, Tridonic/Germany, Flexfire LEDs/USA.

Tuổi thọ của đèn LED chống cháy nổ thường được tính theo L70: Nghĩa là sau số giờ sử dụng như thiết kế của nhà sản xuất (30.000 giờ tới 100.000 giờ), lượng ánh sáng phát ra của đèn LED còn lại 70% chứ không phải là đèn LED bị hỏng hoàn toàn.

Thời gian bảo hành của đèn LED chống cháy nổ

Thông thường, thời gian bảo hành của đèn LED chống cháy nổ khá dài. Đối với dòng đèn tube LED, thời gian bảo hành thường tối thiếu là 03 năm, đối với dòng đèn pha Floodlight, thời gian bảo hành thường tối thiểu là 05 năm. Nhiều hãng sản xuất tại Trung Quốc không dám cam kết với thời gian bảo hành này, bởi chất lượng chip LED & driver của họ không tốt, sau một khoảng thời gian sử dụng (khoảng 12 tháng), chất lượng ánh sáng giảm đi rõ rệt, cùng với driver có khả năng hư hỏng rất lớn.

Trên đây, là một số tiêu chí cơ bản giúp khách hàng lựa chọn đèn LED chống cháy nổ. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích ít nhiều cho Quý khách hàng.